Lãng phí quá trình là gì?
Lãng Phí quá trình là nói đến:
- Các hoạt động thừa,
- Các quá trình sản xuất (hoặc vận hành) được lập ra không vì mục đích tạo ra giá trị gia tăng hoặc
- Các lãng phí do quá trình gia công không thích hợp.
Sản phẩm khuyết tật tăng có thể là do quá trình không thích hợp hoặc các hoạt động lỗi thời. Tăng số giờ làm việc có thể dẫn đến các khuyết tật và lãng phí quá trình. Thiếu huấn luyện hoặc thiếu tiêu chuẩn hoá cũng có thể sinh ra lãng phí quá trình.
Trong thực tế, cải tiến sản xuất sẽ tác động tốt hơn cho quá trình. Tuy nhiên, công nhân vẫn có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động như cũ bởi vì họ vẫn chưa được huấn luyện đầy đủ nên chưa hiểu thấu đáo sự thay đổi.
Hình 9.1 cho thấy thực tế tại một công đoạn lắp ráp:
Búa đóng chốt gỗ đã được cải tiến chống móp (bằng cách doa tròn cạnh búa) nhưng ngoài hiện trường, công nhân vẫn có thể dùng búa kiểu cũ (còn góc cạnh) để đóng vào chốt gỗ và sinh ra móp sản phẩm.
Hình 9.1: Doanh nghiệp đã cải tiến cách dùng búa doa tròn, nhưng trong thực tế, công nhân vẫn có thể sử dụng cách thức cũ. Đây 1 dạng của là lãng phí quá trình
|
Hình 9.2 cho thấy hoạt động chỉnh máy khoan: khoảng cách từ mũi khoan đến sản phẩm rất xa. Điều này cũng là lãng phí quá trình vì mũi khoan phải di chuyển 1 khoảng cách “XA” không cần thiết. Hoạt động khoan chỉ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm khi mũi khoan chạm vào sản phẩm. Việc làm cở gá cho thiết bị nhằm chế tạo sản phẩm nhưng gây nhiều lãng phí nhân công cũng là 1 dạng của lãng phí quá trình
Hình 9.2: khoảng cách mũi khoan quá xa hoặc tốn nhiều nhân công (thái quá) cho hoạt động là 1 dạng của lãng phí quá trình |
Hình 9.3 là các hoạt động thường thấy tại các nhà máy chế biến gỗ. Do thiết kế quá trình không tốt, người lao động phải bốc sản phẩm lên – dở xuống palete (hoặc đặt xuống đất) hoặc khom lên khom xuống, ngồi xổm để thao tác. Khi thiết kế quá trình tốt hơn, huấn luyện người lao động tốt hơn sẽ giúp doanh nghiệp “chuẩn hoá” các quá trình từ đó gia tăng năng suất, loại bỏ các khuyết tật sản phẩm
Hình 9.3: Thiết kế quá trình kém gây nhiều loại lãng phí (hình trái). Các lãng phí này có thể được loại bỏ bằng cách tổ chức lại quá trình giúp người lao động thao tác hợp lý (đứng, di chuyển ít, dòng sản phẩm ổn định) giúp tăng năng suất
Nguyên Nhân Của Sự Lãng Phí Các Quá Trình
- Xem xét không thoả đáng các quá trình.
- Nghiên cứu không đúng và không đầy đủ các hoạt động,
- Các đồ gá không còn thích hợp, sơ sài và lạc hậu
- Sự tiêu chuẩn hoá trong quá trình không đầy đủ
- Bố trí nhà máy theo kinh nghiệm, chưa ứng dụng các phương thức bố trí nhà máy
- Thiếu đội ngũ cán bộ quản lý có khả năng và nhiệt huyết cải tiến liên tục
Làm Thế Nào Để Loại Bỏ Sự Lãng Phí Trong Quá Trình
- Thiết kế quá trình thích hợp hơn, nên bố trí lại thiết bị theo các phương thức bố trí phù hợp
- Quan sát thấu đáo quá trình, sử dụng kỹ thuật “Back door”. Đây là cách để phát hiện lãng phí dễ nhất. Kỹ thuật “Back door” là: hãy quan sát hoạt động nào là hoạt động tạo giá trị? Các hoạt động còn lại đều là lãng phí!
- Cải tiến việc sử dụng đồ gá sao cho ít tốn kém nhất, tiến tới tự động hoá. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học thì chi phí tự động hoá hoặc bán tự động ngày càng thấp hơn. Việc kết hợp giữa doanh nghiệp và sinh viên nghiên cứu “tự động hoá” cũng được gần gũi hơn (Ngành gỗ đang liên kết với Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật)
- Xem xét lại các hoạt động, viết hướng dẫn vận hành chuẩn (SOP) và triển khai chuẩn hoá này vào hiện trường, tiến tới chuẩn hoá 1 cách trọn vẹn
- Luôn luôn đặt câu hỏi “Mục đích của quá trình này là gì ?” và “Nhiệm vụ của công đoạn này là gì?“, hãy ghi nhớ: Mục đích là gì ?!). Chính “mục đích” của công đoạn sẽ giúp xác định hoạt động nào là “cần thiết” và hoạt động nào “không cần thiết”. Mục đích của quá trình nguội là gì? Mục đích là “kiểm tra khuyết tật còn sót và hoàn thiện nó trước khi sơn”. Vậy hoạt động chất xếp này không phù hợp với mục đích cần phải loại bỏ.
- Nhờ câu hỏi về “mục đích” mà một hoạt động đang thực hiện (rất nhiều năm) có thể được nhà quản lý loại bỏ nó một cách “không thương tiếc”. Bởi vì nó chính là lãng phí.
Đầu tư vào con người – đặc biệt là nhóm cải tiến doanh nghiệp – đây là lực lượng tâm huyết có thể xác định các lãng phí quá trình và cải tiến liên tục
Một máy bào sử dụng đến 4 lao động, trong đó, 2 lao động có nhiệm vụ là chất xếp sản phẩm từ máy xuống palette. Lãng phí quá trình này có thể loại bỏ bằng việc bố trí lại các máy “Cắt – Bào – Đánh mộng Finger Joint” … sát lại thì sẽ loại bỏ luôn lãng phí 2 nhân công này làm tăng năng suất đáng kể.
Hình 9.4a Thiết kế quá trình không tốt gây lãng phí lao động rất lớn. Nếu thiết kế quá trình đúng có thể giảm 2 công nhân “bốc dở” này. Để xem phim bấm vào đây |
Hình 9.4b Việc bố trí lại chuyền chi tiết cong Vẽ lọng – Lọng – Bào – Chép hình – … tại Nghĩa Tín giúp loại bỏ lãng phí quá trình. Để xem phim bấm vào đây |
Để xác định lãng phí quá trình, bạn nên sử dụng danh sách kiểm tra dưới đây để phân tích nơi làm việc của bạn lãng phí quá trình ở mức độ cao, trung hay thấp. Khi có quá trình lãng phí cao thì hãy tìm nguyên nhân và đưa ra kế hoạch cải tiến:
- Có quá trình không phục vụ cho việc tạo giá trị gia tăng
- Quá trình có nhiều hoạt động không cần thiết (dùng kỹ thuật back door)
- Quá trình có thể làm ít lãng phí hơn hiện tại nhiều
- Có một quá trình nào đó có thể bỏ mà không làm giảm chất lượng sản phẩm
- Có một quá trình nào đó có thể bỏ mà không sinh ra khiếu nại của khách hàng
- Sản phẩm có hiện tượng di chuyển zích zắc
- Quá trình tạo ra sản phẩm khuyết tật có tỉ lệ cao
– Lê Phước Vân –