Trước tình hình dịch bệnh đang ngày càng phức tạp, TP Thuận An đã bắt buộc doanh nghiệp áp dụng phương án 3 tại chỗ (ăn, ở và làm việc tại nhà máy) nhằm thực hiện mục tiêu kép “phòng, chống dịch và duy trì sản xuất”. Chắc chắn trong thời gian sắp tới tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các địa bàn lân cận sẽ áp dụng. Nhiều doanh nghiệp, tiêu biếu là Công ty Cổ Phần Lâm Việt đã thực hiện phương án này từ cuối tháng 6/2021. Tính tới nay, Lâm Việt đã có hơn 20 ngày “sống chung” với hơn 700 người lao động.
Trong buổi Talkshow qua Zoom, CLB Sản Xuất Tinh gọn ngành gỗ Bình Dương (BIFA) đã mời ông Nguyễn Thanh Lam – CEO Công ty Cổ Phần Lâm Việt và ông Lê Phước Vân – CEO Công ty TNHH TVQL Hạnh Gia chia sẻ về chủ đề này. Talkshow có sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp hội viên BIFA, DOWA và CLB LSS.
Dưới đây là một số kinh nghiệm được chia sẻ trong buổi Talkshow.
Ban hành quy chế
Trước tiên, Ban giám đốc (BGĐ) họp với tất cả người lao động (NLĐ) để giải thích các ưu điểm và khuyết điểm khi thực hiện 3 tại chỗ. Lựa chọn thực hiện 3 tại chỗ nhằm đảm bảo an toàn cho toàn thể NLĐ trong công ty. Đồng thời, công ty đưa ra 2 phương án để NLĐ quyết định: giữa việc cắm trại làm việc tại công ty trong vòng 1 tháng (hoặc đến khi có thông báo mới), và việc nghỉ phép không lương.
Nhờ công tác truyền thông hiệu quả, Lâm Việt đã thu hút được khoảng 80% NLĐ chấp nhận ở lại công ty thực hiện 3 tại chỗ. Để đảm bảo an toàn, Lâm Việt đã tiến hành test nhanh toàn bộ NLĐ trong ngày đầu tiên, những nhân viên có kết quả âm tính sẽ được ở lại công ty. May mắn không có trường hợp F0 trong quá trình thực hiện test nhanh.
Theo anh Lam chia sẻ, điều quan trọng nhất là công ty phải ban hành quy chế hướng dẫn NLĐ thực hiện sinh hoạt tại công ty. Để việc ban hành quy chế được hiệu quả, ngoài việc truyền thông và thực hiện 5K mạnh mẽ, Lâm Việt đã thực hiện các việc sau:
- Thành lập Ban phòng chống Covid-19 trong doanh nghiệp
- Chia nhóm theo khu vực làm việc, mỗi nhóm sẽ do một tiểu đội trưởng quản lý. Tiểu đội trưởng có thể là quản đốc, nhóm trưởng, chuyền trưởng, người có uy tín trong nhóm. Tiểu đội trưởng là người có trách nhiệm phổ biến, giải thích, giám sát thực hiện quy chế trong nhóm của mình.
- Sắp xếp chia ca ăn và vệ sinh (lệch nhau 1 giờ) để tránh bị tắt nghẽn.
- Xây dựng nhà vệ sinh dã chiến dùng cho 10~15 người. Chia khu vực tắm và giặt riêng. Chia khu Nam – Nữ riêng
- Thường xuyên nhắc nhở trong những ngày đầu để NLĐ quen dần với nếp sinh hoạt trong công ty.
- Tạo nhóm trao đổi bằng Zalo giữa BGĐ, Ban phòng chống Covid và các tiểu đội trưởng để giải quyết các vấn đề phát sinh ngay lập tức.
Download Quy chế tại đây.
Thông báo với Chính quyền địa phương
Để thuận lợi thực hiện phương án 3 tại chỗ, Lâm Việt đã chủ động trao đổi trực tiếp với Ủy ban, Công an, Liên đoàn lao động, Trung tâm y tế địa phương để được hướng dẫn và nhận được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng. Theo anh Lam, các công ty nên mạnh dạn thực hiện 3 tại chỗ trong thời điểm này mà không cần chờ văn bản hướng dẫn cụ thể từ chính quyền. Với tình hình dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng, việc cách ly NLĐ trong công ty cũng góp phần làm giảm áp lực quản lý đối với địa phương. Cụ thể, Lâm Việt đã gửi công văn thông báo kèm danh sách những NLĐ ở lại công ty cho các cơ quan chức năng.
Download Công văn gửi LĐLĐ tại đây
Download Công văn gửi UB và CA tại đây
Chính sách hỗ trợ người lao động:
Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện công tác hỗ trợ NLĐ ở lại công ty vì chi phí cho phương án 3 tại chỗ là rất lớn. Tại Lâm Việt, NLĐ ở lại công ty sẽ được hỗ trợ 4 bữa ăn/ ngày và 500.000 VNĐ/ tháng; NLĐ nghỉ phép không lương sẽ được hỗ trợ 1.000.000 VNĐ và một phần quà. Đồng thời, anh Lam cho rằng các DN nên kêu gọi khách hàng hỗ trợ NLĐ cùng doanh nghiệp để giảm bớt gánh nặng chi phí trong thời điểm này. Khách hàng của Lâm Việt đã ủng hộ tích cực đề nghị này.
Cung cấp WIFI cho toàn Công ty, tổ chức các trò chơi, buổi chiếu phim, hát karaoke, … vào ngày Chủ Nhật để phục vụ nhu cầu giải trí. Các môn giải trí cũng lưu ý áp dụng 5K – quan trọng nhất là giai đoạn đầu 14~15 ngày
Kiểm soát nguy cơ từ các Nhà cung cấp:
Nhà cung cấp thường xuyên làm việc tại công ty như: bếp ăn công nghiệp, QC kiểm hàng cần ở lại làm việc tại công ty như những người khác.
Nhà chung cấp giao nhận hàng hóa, thực phẩm thì áp dụng như sau:
- Tài xế ngồi trên cabin, không tiếp xúc với bảo vệ hoặc bất kỳ ai khác.
- Đậu xe ngay trước cổng để nhân viên Lâm Việt thực hiện bốc dỡ hàng xuống sân.
- Bảo vệ tiến hành phun khử khuẩn hàng hóa và người bốc dỡ.
- Chờ từ 45p đến 1h trước khi đưa hàng vào kho bãi.
- Thực hiện tương tự đối với hàng giao đi.
Những Doanh nghiệp không kịp tham gia talkshow có thể nghe lại file ghi âm tại đây.
Ngoài những chia sẻ từ phía Lâm Việt, văn phòng BIFA cũng tổng hợp một số tài liệu hướng dẫn thực hiện 3 tại chỗ từ các cơ quan ban ngành và chuyên gia. Doanh nghiệp có thể download các tài liệu tại đây.
Ông Vân – Giám đốc công ty Hạnh Gia cho hay: “Trong thời điểm dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng và chưa biết khi nào có thể khống chế, việc cân bằng giữa sinh tồn, tăng trưởng cho công ty và hỗ trợ cho người lao động là thể hiện văn hóa tình người trong doanh nghiệp. Con người là trên hết! Trong những năm qua, ngành gỗ đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2021 này, chúng ta cần phải đi chậm, vượt khủng hoảng và thậm chí học cách thất bại để đảm bảo an sinh cho người lao động và sự tồn tại của doanh nghiệp.”
Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua! Kính chúc các doanh nghiệp phát triển bền vững!