5 cám dỗ Giám Đốc cũng là 5 cám dỗ dành cho mọi cấp quản lý trong doanh nghiệp. Suy cho cùng, tôi và các bạn không ít thì nhiều cũng sẽ bị vướng vào 1 trong những cám dỗ này.
Điều quan trọng là hãy nhận diện: ta bị vướng vào cám dỗ nào và lập kế hoạch để vượt qua!
Sự thật các Giám Đốc thất bại trong quản lý đều do buông xuôi một hoặc tất cả “5 điều cám dỗ Giám Đốc”
Patrick – tác giả cuốn sách đã nói: “Làm Giám Đốc một tổ chức không có gì phức tạp”. Patrick Lencioni là chủ tịch The Table Group, một hãng tư vấn quản trị ở Bay Area, San Francisco và là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy, trong đó không thể không kể đến cuốn “Năm điều cám dỗ Giám Đốc”. Nhiều CEO thành công đã công nhận kinh nghiệm tuyệt hảo trong cuốn sách này.
Năm cám dỗ đó là:
- Chọn Vị Thế Cá Nhân (hơn là Kết Quả Của Tổ Chức)
- Chọn Sự Yêu Mến Của Nhân Viên (hơn là Chịu Trách Nhiệm)
- Chọn Sự Cầu Toàn (hơn là Quyết Đoán, Rõ Ràng)
- Chọn “Dĩ Hòa Vi Quý” (Yêu thích sự hoà bình hơn là Xung Đột Mang Tính Xây Dựng)
- Chọn An Toàn (hơn là Sự Tin Cậy)
Bi kịch ở chỗ: các giám đốc cảm nhận được các cám dỗ nhưng không làm gì để vượt qua nó. Thay vào đó, một cách vô thức, họ lảng tránh và tập trung vào những chi tiết kinh doanh phức tạp trong khi về bản chất, vị trí lãnh đạo không yêu cầu phải tập trung vào tiểu tiết. Khía cạnh khác mà nói, nhiều Giám Đốc chỉ biết tập trung vào các hiện tượng bề ngoài chứ không tập trung vào các vấn đề cốt lõi. Hệ quả là họ đẩy tổ chức đi đến vùng nguy hiểm.
Cám dỗ thứ 1: Chọn Vị Thế Cá Nhân (hơn là Kết Quả Của Tổ Chức)
Nguyên tắc quan trọng nhất mà một giám đốc phải nắm vững là mong muốn đạt kết quả. Dù điều này nghe rất hiển nhiên nhưng rất nhiều giám đốc xếp chuyện khác lên trước, đó là cám dỗ bảo vệ vị thế sự nghiệp của mình.
Đây là loại cám dỗ các giám đốc dễ gặp phải nhất, nguy hiểm nhất và cũng là loại cám dỗ khó thay đổi nhất. Hầu hết các Giám Đốc đều cho rằng cám dỗ này là điều hiển nhiên. Những người rơi vào cám dỗ này tin rằng một khi vị thế của họ luôn ổn định thì công ty luôn đạt được kết quả tốt đẹp. Nhưng thực tế không hẳn sẽ diễn ra như vậy.
Thông thường kết quả đạt được do bị cái tôi thúc đẩy không bền lâu. Vì một khi cái tôi được thỏa mãn, các giám đốc sẽ hướng về chuyện hưởng thụ thành quả do vị thế hiện thời mang lại và ít quan tâm đến các nhu cầu của công việc. Một khi vị thế mới này có nguy cơ lung lay họ mới ra sức phấn đấu để bù đắp khoảng thời gian lãng phí của mình.
Với sự “chăm lo” như vậy, kết quả của công ty luôn trong tình trạng biến đổi liên tục. Và đây là thời điểm họ bắt đầu thắc mắc tại sao kết quả trong suốt quá trình vừa qua không như mong đợi.
Trong thực tế, các vị trí lãnh đạo trong Công ty luôn đặt lợi ích của “cá nhân” hơn lợi ích của Công ty. Điều bên trong của mỗi nhà quản lý này lại rất dễ bộc lộ ra ngoài trong từng nghiệp vụ, từng quyết định, trong từng hành vi ứng xử. Không sớm thì muộn “cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, giấy không thể gói lữa được…và điều gì đến sẽ đến với các Giám Đốc bị cám dỗ này!
Lời khuyên: hãy xem trọng kết quả tổ chức hơn vị thế cá nhân mình. Khi tổ chức đạt kết quả tốt thì lúc đó vị thế cá nhân bạn mới thực sự bền vững và thăng tiến!
Cám dỗ thứ 2: Chọn Sự Yêu Mến Của Nhân Viên (hơn là Chịu Trách Nhiệm)
Ngay cả Giám Đốc nào cưỡng lại được cám dỗ quá chú trọng đến bảo vệ vị thế đôi lúc cũng thất bại. Vì họ không buộc cấp dưới chịu trách nhiệm thực hiện các cam kết nhằm thúc đẩy tổ chức phát triển. Họ đã đầu hàng trước cám dỗ mong muốn được mọi người quý mến.
Cám dỗ này xuất phát từ nhu cầu muốn được yêu quý và tìm kiếm đồng minh. Một Giám Đốc thường rất cô đơn trong chính tổ chức của mình. Do đó, họ thường tìm kiếm sự đồng tình và cảm thông từ những cấp dưới trực tiếp. Khi mối quan hệ hình thành dựa trên tình cảm thay vì công việc, Giám Đốc sẽ cảm thấy ngần ngại khi yêu cầu ai đó chịu trách nhiệm khi họ không đạt mục tiêu công việc.
Một nghịch lý là chính những Giám Đốc kiểu này lại nhanh chóng sa thải những nhân viên mà họ quý mến vì lý do thành thích quá yếu kém. Yếu tố then chốt làm mối quan hệ này gãy đổ một cách nghiêm trọng là do trong suốt quá trình làm việc, Giám Đốc thường không phản hồi (dù tiêu cực hay tích cực) cho nhân viên.
Lời khuyên: Hãy chọn sự rõ ràng trong công việc, nói rõ mục tiêu công việc cho nhân viên và trách nhiệm trong công việc của họ. Sau khi hoàn thành công việc 1 cách xuất sắc thì sau đó mới đến “chơi cho ra chơi”. Xu hướng làm việc của các Công ty nước tiên tiến là: làm “dữ” mà chơi cũng “dữ” là vậy!
Cám dỗ thứ 3: Chọn Sự Cầu Toàn (hơn là Quyết Đoán, Rõ Ràng)
Ngay cả Giám Đốc cưỡng lại cám dỗ “Bảo vệ vị thế” và “Mong muốn được mọi người yêu mến” đôi lúc cũng thất bại. Đó là bởi họ chậm trễ trong việc ra quyết định. Họ đang bị cám dỗ bởi những quyết định “chắc chắn”, “đúng đắn”, “cầu toàn”.
Khi các cuộc họp xảy ra ngày càng nhiều và càng sa đà vào các yếu tố tiểu tiết không cần thiết là lúc các Giám Đốc rơi vào cám dỗ thứ ba. Loại cám dỗ này khiến các Giám Đốc trì hoãn việc đưa ra quyết định vì họ luôn muốn có thêm thông tin để đảm bảo các quyết định sẽ mang lại kết quả. Nhiều Giám Đốc, đặc biệt là những người có óc phân tích cao luôn muốn đảm bảo rằng quyết định của họ là đúng đắn. Đây là điều gần như không thể vì không hề có sự chính xác tuyệt đối khi mà cuộc sống luôn biến động và những tình huống không bao giờ ngờ tới xảy ra thường xuyên.
Trong quản lý, làm việc với cấp dưới, cám dỗ này dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng: nhân viên mất phương hướng, mơ hồ, “nửa vời” với các mục tiêu, nhiệm vụ. Và khi nhân viên chờ đợi các quyết định của Giám Đốc (rất chậm trễ do chưa hoàn hảo), thì đó là lúc hàng đống công việc bị treo lại. Toàn bộ thời gian làm việc của họ là chạy loanh quoanh hoàn thành những công việc ngắn hạn, chấp vá. Hậu quả là nhiều việc bị đình đốn, gây ra nhiều hệ luỵ.
Điều này cũng khiến cấp dưới cho rằng Giám Đốc không dứt khoát, quyết đoán và cuối cùng là mất lòng tin vào Giám Đốc.
Lời khuyên: Vào lúc bạn quyết định chậm mà lãng phí do quyết định chậm càng lớn hơn hãy giải quyết vấn đề dứt khoát, rõ ràng ngay cả khi chúng ta thực sự chưa đầy đủ thông tin. Nên nhớ rằng: bạn là nhà quản lý chứ không phải là nhà nghiên cứu!
Cám dỗ thứ 4: Chọn “Dĩ Hòa Vi Quý” (hơn là Xung Đột Mang Tính Xây Dựng)
Ngay cả những giám đốc cưỡng lại được 3 cám dỗ trên đôi lúc cũng thất bại. Vì họ không tận dụng được những thông tin tốt nhất từ cấp dưới. Tại sao không? Bởi họ nhượng bộ trước cám dỗ mong muốn sự hài hòa (Có người gọi “sự hoà bình”)
Đây là loại cám dỗ bắt nguồn từ sự ưa chuộng hòa bình trong tổ chức của chính các Giám Đốc. Để tránh những xung đột có thể xảy ra, các Giám Đốc thường né tránh hoặc ngăn cản sự phát biểu trong các cuộc họp. Họ tin rằng mọi người nên cùng đồng thuận và hòa hợp hơn là bất đồng và xung đột lẫn nhau. Sau nhiều cuộc họp diễn ra trong êm thấm và hòa bình, sự buồn tẻ sẽ xuất hiện và các Giám Đốc rơi vào lòng luẩn quẩn của những cuộc họp mà không rút ra hay đưa ra được điều gì hữu ích.
Chỉ khi xung đột mang tính xây dựng xảy ra trong bàn họp thì các vấn đề mới được sáng tỏ và các thông tin cần thiết sẽ xuất hiện. Không phải bất cứ góc nhìn hay ý kiến của ai cũng có thể được đồng ý nhưng chúng phải được xem xét. Khi đã cân nhắc mọi hiểu biết được đưa ra, cơ hội để đạt được quyết định tối ưu là rất lớn.
Lời khuyên: Nên xung đột tư tưởng và trình bày ra đừng để “ngấm ngầm” bên trong sẽ làm giảm hiệu quả trong tổ chức. Cao hơn nữa là hãy áp dụng phương pháp brain-storming (não công) tạo ra nhiều luồng xung đột trong tư tưởng để có phương án tốt nhất, sáng tạo nhất. Hoà bình thái quá thực sự nguy hiểm trong tổ chức!
Cám dỗ thứ 5: Chọn An Toàn (hơn là Sự Tin Cậy)
Ngay cả Giám Đốc cưỡng lại những cám dỗ trên cũng có lúc thất bại. Cho dù họ khuyến khích sự xung đột tích cực, nhân viên thực sự không làm như vậy. Họ sẽ tìm chỗ đứng quanh ý kiến của Giám Đốc và chỉ xung đột khi vấn đề có lợi ích rõ ràng cho họ. Vì sao? Bởi Giám Đốc chịu tác động của cám dỗ cuối cùng: không muốn bị tổn thương.
Không một ai thích thừa nhận là mình sai, Giám Đốc lại càng không. Họ cho rằng sai lầm của họ sẽ làm họ mất uy tín, mất sự kính trọng từ nhân viên. Ngược lại, những Giám Đốc giỏi sẵn sàng bày điểm yếu của mình lên bàn và mời mọi người giúp họ khắc phục. Nếu có ai nghĩ rằng họ sẽ mất mặt sau khi làm điều đó họ cũng chẳng quan tâm. Không ai mà không sai ít nhất một lần và họ biết mình là ai, vì sao họ được làm Giám Đốc.
Họ biết rằng thước đo là kết quả của tổ chức chứ không phải cái vẻ ngoài thông minh.
Ngoài ra, do sợ bị sai lầm trong giao việc cho nhân viên, cho nên các Giám Đốc thường chọn cách tự làm, tự quyết định. Thay vì vậy hãy chọn sự tin cậy, chấp nhận rủi ro (hơn là an toàn) để từ đó trong tổ chức có đội ngũ kế thừa gánh vác các trọng trách sau này
Lời khuyên: Hãy tin cậy nhân viên và dám nhận cái sai về mình
Bài viết của Lê Phước Vân
Tài liệu tham khảo: “Năm điều cám dỗ của Giám Đốc