LÃNH ĐẠO CÕNG KHỈ
Người lãnh đạo không nên “cõng khỉ”
Thay vì nói: “tôi lại gánh thêm một công việc nữa” thì người Mỹ lại dùng hình ảnh “tôi lại cõng thêm một con khỉ”. Nói như vậy vì con khỉ có cái tật là đứng gần ai thì thích nhảy lên vai người đó. Trong quản trị kinh doanh. Cõng khỉ chỉ việc người lãnh đạo hay người quản lý, đáng lẽ giao việc cho cấp dưới làm, lại đi ôm đồm công việc của họ đâm ra bao biện.
Trong cuốn giáo khoa “Nghệ thuật lãnh đạo” mô tả chuyện “cõng khỉ” này như sau: Một cán bộ cấp dưới đến gặp người lãnh đạo, nói: “Tôi có một vấn đề muốn xin ông cho ý kiến”. Nếu người lãnh đạo nhận lời ngay thì hóa ra ông ta đã vô tình gánh thêm một trách nhiệm, vốn là trách nhiệm của cấp dưới chứ không phải của ông ta. Như vậy thì con khỉ đã nhảy từ vai của cấp dưới sang vai của ông. Nếu việc nào ông ta cũng giải quyết như vậy thì không mấy chốc mọi mọi con khỉ trong doanh nghiệp sẽ nhảy nhót trên lưng của ông ta, ông ta sẽ không còn thời gian làm những công việc quan trọng hơn, khi đó nhân viên sẽ trở nên ù lì, ỷ lại.
Alec Mackenzie, một nhà quản lý nổi tiếng của Mỹ nói, người ta gọi đó là lối “phân công cho cấp trên”, và chi rằng cách phân công ngược đời này lại diễn ra ở tất cả các cấp và có thể là rất ít người, thậm chí không có ai để ý đến chuyện đó.
David Jaquith, khi còn làm chủ của Vega Industries, cho rằng nhiệm vụ của người lãnh đạo là thúc đẩy người khác làm việc chứ không phải làm thay cho cấp dưới. Cần phải phân rõ “ai giao việc cho ai” và ông nói với cấp dưới “Các anh đừng mang vấn đề mà hãy mang giải pháp đến cho tôi”. Khi cấp dưới đến xin ý kiến. Ông hay hỏi lại :”Thế nào? Có vấn đề hả? Thế thì anh định làm gì nào?” Như thế là, từ chỗ là người trả lời, ông trở thành người hỏi. Ông dứt khoát không cho con khỉ nhảy lên lưng mình.
Nhà quản lý Alvin Eurich có một cách khác để từ chối con khỉ. Khi một cán bộ cấp dưới mang đến một vấn đề và đòi cho nó được thông qua thì ông có thể trả lời: “Tôi đồng ý với quyết định của anh” Anh sẽ gánh mọi hậu quả. Nếu anh cho đó là cách giải quyết tốt thì cứ làm đi”.
Người lãnh đạo không bao giờ được làm công việc của người thực hành. Mà hãy dành thời gian cho việc lên kế hoạch, phân công giao việc, theo dõi, giúp đỡ, đào tạo và phát triển khả năng của những người cộng sự của mình. Sự phân công này sẽ tạo điều kiện cho người được phân công tiến bộ hơn, khi đó thành công của doanh nghiệp được nhân lên gấp bội bởi cố gắng chung của mọi người trong doanh nghiệp.