Kỳ 14: Lean Production ngành chế biến gỗ

LEAN PRODUCTION – TỐI ƯU HOÁ NĂNG SUẤT VÀ CHI PHÍ NGÀNH CHẾ BIẾN GỖ VIỆT NAM

Ngành Chế biến gỗ Việt Nam đứng thứ 5 thế giới (sau Trung Quốc, Đức, Ý, Ba Lan), với thị trường xuất khẩu trên 37 quốc gia, thị trường nội địa hơn 90 triệu dân. Tại Việt Nam, ngành gỗ đứng thứ 5 trong nhóm 10 ngành kinh tế chủ lực. Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 6,23 tỉ USD, tăng 11,5% so với 2013, 7,3 tỉ USD trong năm 2016 (tăng chỉ 1% so với 2015 do chính sách chủ động giảm giá trị xuất khẩu gỗ dăm còn 61%) và dự báo kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020.

Ngành chế biến gỗ có sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, nhưng lợi nhuận và giá trị gia tăng sản phẩm đồ gỗ không cao. Nếu so với Trung Quốc, nước chiếm vị thế số 1 thế giới về xuất khẩu gỗ, chi phí lương ở Trung Quốc chỉ chiếm 14% doanh thu, trong khi Việt Nam gần 20%. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra năng suất của Việt Nam kém: một lao động Việt Nam làm ra 1,9 sản phẩm ghế/ ngày, ở Trung Quốc là 4,5 sản phẩm … năng suất kém dẫn đến hiệu quả doanh nghiệp chế biến gỗ cũng kém hiệu quả.

Một câu hỏi đặt ra là nguyên nhân từ đâu mà ngành chế biến gỗ lại gặp nhiều khó khăn như vậy? Tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn ngay cả khi đang có đơn hàng tốt, chính sách tài chính cởi mở?

Số liệu của ILO – tổ chức lao động quốc tế – mới đây, năng suất các nước cao nhiều lần so với Việt Nam. Singapore: 15 lần, Hàn Quốc 10 lần, Nhật 11 lần, trong khu vực Đông Nam Á thì Malaysia 5 lần, Thái Lan 3 lần, …

Còn số liệu của WB – ngân hàng thế giới, năm 2008, Việt Nam cũng vừa thoát nghèo do thu nhập trên đầu người Việt Nam vượt 1.000 Usd/ người/ năm. Tuy nhiên, so với các nước thì còn thua xa: Singapore 40.000 usd/ người/ năm (gấp 34 lần), Nhật gấp 38 lần, Hàn Quốc 18 lần, Malaysia 7 lần, …

Với bối cảnh như vậy, Nhiều người thừa nhận rằng giải quyết bài toán năng suất là yếu tố quyết định.

Các cách để có thể tăng trưởng năng suất lao động!

Ngày nay, để tăng năng suất lao động, các doanh nghiệp thường tập trung phát triển theo 3 giai đoạn:

  1. Giai đoạn “đầu tư công nghệ, thiết bị” (yếu tố ngoại lực)
  2. Giai đoạn “sử dụng hiệu quả các nguồn lực”: nhân lực, thiết bị, nguyên vật liệu, vốn và các phương pháp hiệu quả khác (đây gọi là yếu tố nội lực)
  3. Giai đoạn “đổi mới và sáng tạo”, giai đoạn này thường thấy ở các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng chưa nhiều

Việc đầu tư “ngoại lực” không thể thực hiện thường xuyên! Có thể nói vai trò của yếu tố nội lực mới là căn cơ nhất, cách tốt nhất và có thể để tạo ra năng suất lao động bền vững nhất

Đầu tư vào “nội lực” giúp doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn ngộ nhận chỉ có đầu tư mới đem lại năng suất. Thậm chí, có chủ doanh nghiệp chỉ mãi mê vào đầu tư thiết bị (yếu tố ngoại lực) mà bỏ quên yếu tố nội lực – đó là phát triển con người, phát triển hệ thống quản lý, phát triển năng lực quản lý từ bên trong.

Việc đầu tư công nghệ cũng phải được lựa chọn phù hợp, thích ứng và linh hoạt với nhu cầu của khách hàng, của thị trường. Không phải thiết bị năng suất lớn là luôn đúng, đôi khi đầu tư thiết bị lớn lại là 1 sai lầm. Lean có nhiều triết lý, trong đó có triết lý “thà đầu tư thiết bị nhỏ mà linh hoạt còn hơn là lớn mà kém linh hoạt”. Sản xuất tinh gọn “Lean Production”, gọi triết lý này là “tư duy nhỏ”. Ngày nay, chúng ta thấy ngay cả các ngành ngân hàng cũng mở các chi nhánh khắp cả nước thay vì tập trung trung tâm như trước kia, hệ thống bán hàng tiện lợi (Coop-food, Vinmart, …), bệnh viện, … và rồi mọi lĩnh vực cũng sẽ áp dụng “tư duy nhỏ”

Thời đại cá lớn nuốt cá bé đã qua rồi, bây giờ là thời đại cá nhanh nuốt cá chậm! Muốn tăng năng suất lao động nhanh, điều đầu tiên, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển nhanh và chọn giai đoạn tăng năng suất cho phù hợp.

Tăng năng suất hay tăng sản lượng?

Nói đến năng suất phải đo lường chỉ tiêu năng suất. Năng suất và sản lượng là 2 chỉ tiêu khác nhau. Sản lượng là chỉ số kết quả đầu ra của doanh nghiệp (turnover) như doanh số xuất khẩu (Usd), số container xuất khẩu/ tháng …). Năng suất là chỉ số kết quả đầu ra chia cho đầu vào (Output/ Input). Đơn vị đo khá đa dạng. Ví dụ Usd/ ngày công, Usd trên 1 lao động/ tháng, hay giá trị gia tăng/ 1 công…).

Các doanh nghiệp có vốn trong nước chủ yếu đang ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Đầu tư công nghệ phù hợp rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến giai đoạn 2 “phát triển nội lực” – nghĩa là sử dụng hiệu quả nguồn lực. Khi đã thực hiện tốt giai đoạn 2 thì nên thực hiện tiếp giai đoạn 3: thay đổi phương thức sản xuất!

Gần đây, nhiều doanh nghiệp gỗ đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng Lean Production. Có thể nói, phương thức sản xuất theo Lean Production được xem là 1 trong những phương thức tiên tiến nhất hiện nay!

Lean Production là gì?

Lean Production còn gọi là Lean Manufacturing – đó là hệ thống sản xuất tinh gọn hay sản xuất với chi phí cực tiểu. Lean Production được Viện Masachusset (Hoa Kỳ) đặt trên cho hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production System – TPS). Vào cuối thập niên 70, Họ được chính phủ Mỹ chỉ định nghiên cứu thực tế tại Toyota để trả lời cho câu hỏi “Vì sao xe Toyota có thể cạnh tranh mạnh mẽ trên đất Mỹ”. Từ “Lean” khi tra từ điển có nghĩa là “thịt nạc”. Nói ví von 1 chút: nếu con heo chỉ có “nạc” thì giá trị rất cao. “Nạc” ở đây tương đương với “phần tạo giá trị trong sản xuất”. Nếu trong sản xuất chỉ có phần “tạo giá trị” thì chi phí sẽ cực tiểu. “Giá trị” thì ngược với “Lãng phí”. Trong Lean, 7 khái niệm quan trọng nhất của nó là 7 loại lãng phí (Trong thực tế ngày nay còn nhiều loại lãng phí nữa):

–      Lãng phí sản xuất thừa

–      Lãng phí tồn kho

–      Lãng phí vận chuyển

–      Lãng phí sai lỗi

–      Lãng phí quá trình

–      Lãng phí thao tác và

–      Lãng phí chờ đợi

–      Và nhiều khái niệm lãng phí khác nữa được bổ sung trong thực tiễn

Có thể nói triết lý của Lean là ”Cùng mức đầu ra (như nhau) nhưng Lean sử dụng đầu vào ít hơn”.

ÍT

Ít nguyên vật liệu hơn,
Ít nhân công hơn,
Ít máy móc hơn,
Ít thời gian hơn,
Ít mặt bằng hơn

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng Lean và đã có nhiều thay đổi vượt bậc như Lâm Việt, Tường Văn, Miền Quê, Vina G7, Tiến Đạt, Đức Toàn, Cẩm Hà, Thuận An … Và sắp tới là các doanh nghiệp nữa cũng áp dụng Lean

Trong quá trình tư vấn các doanh nghiệp, thực tế mặt bằng sản xuất trên mỗi máy trung bình giảm 45%; phế phẩm và hàng lỗi có thể giảm đến 90%, Thời gian sản xuất (Lead time): giảm từ 45 ngày xuống 15 ngày, tồn kho giảm còn < 30% so ban đầu, năng suất giai đoạn đầu hơn 20%, có dòng chảy sản phẩm rõ rệt và khái niệm về tốc độ sản xuất đã hình thành

Doanh nghiệp nên áp dụng Lean như thế nào để thành công?

Ban đầu, các doanh nghiệp cần áp dụng Lean mức độ cơ bản.

Giai đoạn cơ bản thường thực hiện:

–      Đào tạo cho Cán bộ quản lý hiểu rõ các khái niệm lãng phí

–      Áp dụng thiết kế nhà máy theo Lean (LFD – Lean Factory Design). Công cụ này phải đo lường các chỉ số cải thiện sau thiết kế (như: Lead time, Inventory, Defect, Productivity, Capacity, …). Giai đoạn này cũng lựa chọn thiết bị phù hợp (nhắc lại: khi thiết kế nhà máy theo Lean việc đầu tư thiết bị công suất lớn phải cân nhắc thận trọng!)

–      Quản lý chất lượng tại hiện trường

–      Kiểm soát sản xuất trực quan và duy trì 5S, kaizen, sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện tại

–      Đào tạo kỹ năng quản lý cho cán bộ cấp trung, …

–      Hệ thống thưởng năng suất và thưởng thành tích …

Đặc điểm của giai đoạn này: Sự kết hợp đầu tư ngoại lực và nội lực càng hợp lý thì tăng trưởng năng suất càng mạnh

Sau giai đoạn Lean cơ bản, doanh nghiệp sẽ chuyển sang giai đoạn nâng cao:

–      Đánh giá mức độ tinh gọn của doanh nghiệp bằng công cụ LAT (Lean Assessment Tool)

–      Áp dụng các công cụ của Lean (các công cụ ổn định sản xuất, công cụ dòng chảy, công cụ cân bằng, công cụ điều độ sản xuất, công cụ kéo, …)

–      Triển khai mạnh các “Nhóm quản lý dự án lãng phí” để đem lại lợi ích tài chính cực lớn cho doanh nghiệp

Có thể nói, Lean thực sự là “cây đủa thần” để giúp doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chóng.

Tuỳ theo nội lực thực tiễn của mỗi doanh nghiệp ở mức nào mà áp dụng các công cụ Lean cho phù hợp. Tầm nhìn về “hệ thống sản xuất theo Lean” trong sản xuất ngành gỗ là bước đi tất yếu để gia tăng năng suất, lợi nhuận và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp!