Phiên bản mới của ISO 14001 sắp ra đời và những lợi ích mà hệ thống này đem lại đã nhận được hơn 5.000 phản hồi khác nhau. Các phản hồi đều đánh giá ISO 14001 là tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích vì giúp các tổ chức và doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu pháp lý và cải thiện năng lực thực hiện các tiêu chuẩn môi trường. Các phản hồi cũng đề xuất rằng: trong phiên bản sửa đổi sắp tới, ISO 14001 cần tập trung nhiều vào các vấn đề như ngăn ngừa ô nhiễm, hiệu quả sinh thái và vòng đời của sản phẩm và dịch vụ.
Các phản hồi nói trên được tiếp nhận từ các công ty và tổ chức có quy mô khác nhau tại 110 quốc gia. Đa số các tổ chức này đã xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14001 và 46% trong số này là các công ty vừa và nhỏ. Khảo sát nói trên do Ủy ban ISO phụ trách về Tiêu chuẩn (ISO/ TC 207/SC 1) tiến hành bằng 11 ngôn ngữ khác nhau.
Anne-Marie Warris, Chủ tịch Ban ISO/TC 207/SC 1 cho biết: “Kết quả phản hồi là ngoài sức tưởng tượng. Các chi tiết của phản hồi đã giúp các chuyên gia phụ trách về tiêu chuẩn liên quan đến môi trường có được một nguồn tài liệu tham khảo quý giá và sự hiểu biết thực sự”.
“Khảo sát được thiết kế một phần là để thu thập ý kiến về những lợi ích chính mà ISO 14001 đem lại và các đề xuất cải tiến vì tiêu chuẩn này hiện đang trong quá trình sửa đổi,” theo Lisa Greenwood, tác giả chính của báo cáo khảo sát, hiện công tác tại Viện Công nghệ Rochester.
Greenwood cho biết thêm: “khoảng 70-80% số người được hỏi cho rằng ISO 14001 mang lại lợi ích rất lớn vì giúp đáp ứng yêu cầu pháp lý và cải thiện công tác môi trường của công ty hay tổ chức. Đây cũng là kết quả quan trọng mà một hệ thống quản lý môi trường mong muốn đem lại cho doanh nghiệp hay tổ chức áp dụng. Bên cạnh đó, triển khai hệ thống quản lý môi trường còn giúp cải thiện hình ảnh của công ty hay tổ chức đó trong mắt cộng đồng.” Mặt khác, các kết quả cũng cho thấy cơ hội cải tiến tiềm năng cho các bên liên quan và nhà cung cấp.
Thông báo các sửa đổi đang được tiến hành
“Các kết quả sẽ được dùng để thông báo tiến trình sửa đổi tiêu chuẩn, dựa vào mức độ quan trọng của các thách thức trong tương lai được các tổ chức áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 đánh giá. Cùng với đó là xem xét liệu tiêu chuẩn ISO 14001 có giúp các tổ chức áp dụng giải quyết vấn đề của mình không”, Maiko Okuno, đại diện Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Mitsubishi UFJ Nhật Bản cho biết. Maiko Okuno cũng là một trong số những chuyên gia tham gia phân tích các phản hồi của khảo sát và sửa đổi tiêu chuẩn ISO 14001.
Kết quả khảo sát chỉ ra một số vấn đề quan trọng cần được chú trọng hơn nữa như giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm, chiến lược để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, xác định và đánh giá các khía cạnh môi trường có liên quan đến vòng đời của sản phẩm và dịch vụ.
“Trong quá trình sửa đổi, điều quan trọng đối với các chuyên gia làm việc nhóm là làm thế nào cho tiêu chuẩn ISO 14001 trở thành “thử thách tương lai đến mức có thể”, Susan Briggs, người triệu tập nhóm sửa đổi ISO 14001 cho biết. “Nghĩa là, công tác sửa đổi sẽ tập trung xem xét và lý giải các thách thức trong tương lai và nỗ lực sửa đổi tiêu chuẩn để giải quyết các thách thức đó.”
Cần tăng cường hỗ trợ đối với các công ty, tổ chức thực hiện EMS
Cuộc khảo sát cũng cho thấy tiêu chuẩn ISO 14004, tiêu chuẩn được thiết kế giúp các công ty, tổ chức hiểu và thực hiện một hệ thống quản lý môi trường (EMS) đã không được sử dụng rộng rãi như các Ủy ban ISO mong đợi.
“Thách thức của chúng tôi trong quá trình sửa đổi tiêu chuẩn ISO 14004 là làm sao để người áp dụng hiểu sâu hơn về công tác quản lý môi trường. Khảo sát trên đã chỉ ra rằng nhiều người không hiểu rõ về tiêu chuẩn này như chúng tôi đã hy vọng.” Arne Syrrist, người triệu tập nhóm sửa đổi tiêu chuẩn ISO 14004 giải thích.
Dự thảo Tiêu chuẩn ISO 14001 hiện đang được hoàn thiện và được bán tại các chi nhánh và văn phòng đại diện ISO hoặc thành viên của tổ chức ISO tại các quốc gia. Vừa qua, nhóm chuyên gia sửa đổi tiêu chuẩn ISO 14001 đã họp tại thành phố Panama để xem xét các ý kiến phản hồi và chuẩn bị bản thảo để tiếp nhận những ý kiến đóng góp từ công chúng vào cuối năm nay. Dự kiến, phiên bản ISO 14001 sửa đổi sẽ được ban hành vào cuối năm 2015.